Media for you
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Khung ảnh nhỏ

Go down

Khung ảnh nhỏ Empty Khung ảnh nhỏ

Bài gửi by Van Huy Thu Jul 31, 2008 7:08 am

Khung ảnh nhỏ 99b310
Tác giả: ttj (Đài Loan)
Thời đại học, vì trường quá xa, tôi quyết định một mình lên Đài Bắc thuê nhà trọ.
Hồi đó khá may mắn, tôi nhanh chóng tìm được một căn hộ chung cư giá rẻ, trên tầng hai của khu nhà năm tầng.
Lúc dọn tới, tôi rất lễ phép đi chào các nhà hàng xóm tầng trên dưới. Tầng một là một bà già hơn bảy mươi tuổi, trước mặt có tiệm tạp hoá, tiệm cũng do bà mở, bán vài thứ thiết yếu.
Bà già tuy còn khoẻ mạnh, nhưng mắt đã mờ, thường chỉ ngồi sau quầy thu tiền với chiếc quạt gió.
Tầng ba là một đôi vợ chồng trẻ họ Lưu. Ông Lưu làm gì đó về viễn thông, có vẻ có chức tước, trên báo thỉnh thoảng lại thấy đưa tin có ảnh ông. Ông rất tốt, thấy tôi thích nhiếp ảnh bèn giới thiệu tôi ra tiệm ảnh người bạn là Dương, có thể giảm giá. Còn bà Lưu làm nội trợ, rất ít nói năng. Tôi không có ấn tượng gì về bà.
Thực ra sau lần gặp đầu, tôi rất ít khi chạm mặt láng giềng, chứ đừng nói là còn trò chuyện! Bận rộn học hành, làm sao có thời gian lên gác cắn hạt dưa, xuống nhà nghe bà già ca cẩm.
Tôi học cũng vất vả, vài ngày bố mẹ lại gọi lên Đài Bắc một lần hỏi, có phải ở một mình, ko ai cai quản nên học hành chả ra gì?
Sự việc xảy ra tình cờ.
Ở không lâu, bố tôi bắt dọn tới nhà bạn ông để ở.
- Có thế mày mới chịu học!
Tôi đành thu xếp đồ đạc.
Trước ngày dọn nhà, một buổi chiều chủ nhật, tôi đang gói đồ. Vốn định ôn lại môn Vật lý, nhưng nghĩ mai đã dọn nhà, học không vào. Ra ngoài ban công đọc truyện, phía dưới ban công là tiệm tạp hoá, tôi nghe rõ những tiếng động từ đó. Nên đeo tai nghe vào, vặn âm nhạc lớn hết mức, cảm thấy yên tâm trong thế giới truyện tranh rồi.
Một lát, nhìn ra, vừa lúc... một đôi giày đá bóng màu trắng rơi xuống trước mặt!
Đúng hơn là rơi từ trên gác xuống mặt đường phía dưới. Tôi thấy lạ chạy xuống xem.
Xuống tiệm tạp hoá, bà già ngạc nhiên nhìn tôi, rồi cười ha hả.
- Gác ba lại cãi nhau rồi. Mỗi lần cãi nhau, ông Lưu lại tránh ra ban công, cô Lưu càng tức càng túm được cái gì quẳng cái đó. Nói chung thường ném chệch. Sao? Ngạc nhiên quá à?
Tôi kinh ngạc.
Không ngờ bà Lưu ít lời lại ghê gớm thế, mà ông Lưu trông hơi béo, lại nhanh nhẹn thế, nếu tránh bóng ném thì chắc tuyệt chiêu.
Bà già lôi một túi to từ tủ đồ, trong có rất nhiều thứ - sách, băng hình, CD, điều khiển ti vi, một đống các đồ lặt vặt.
- Cô Lưu là người tốt, có điều hay nổi giận. Cưới được người tốt đến thế rồi mà không biết nâng niu. Ôi, do mẹ hồi nhỏ không biết cách giáo dục. - Bà cụ vừa nói vừa lắc đầu, thở dài.
- Nói thế chưa chắc đã đúng, nếu ông Lưu chọn bà ấy thì chắc chắn bà ấy là người rất tốt, tôi cảm thấy mẹ bà Lưu chắc là người mẹ tuyệt vời! - Tôi cảm thấy bà cụ này quá thân thiện, còn thu giữ hộ cả những thứ đồ đánh nhau rớt xuống nhà.
Bỗng nhiên, tôi nhìn thấy trong túi đó có một khung ảnh. Cầm lên xem, tấm ảnh đã rất cũ kỹ. Trong ảnh là một người đàn bà trung niên dắt tay cô con gái mười hai tuổi, hai người đều cười rất rạng rỡ. Nếu không phải là mặt khung kính đã vỡ thì bức ảnh này thật ấm áp.
Bà cụ nhìn thấy khung ảnh, bật khóc.
Tôi hiểu ra. Bà cụ là mẹ bà Lưu, và trong khung ảnh là tấm hình hai mẹ con.
Tôi dựa vào ghế, không biết nói gì. Bà cụ quệt nước mắt, chậm rãi:
- Tôi với bố của Văn đã li hôn rất sớm, hồi nó mới học lớp hai. Tính khí Văn giống hệt tính bố nó, rất khó chịu. Tôi cũng vì thế mới li hôn. Hồi đó tôi thất nghiệp, cũng biết bỏ chồng sẽ không biết trông vào đâu, nhưng tôi không thể để Văn thấy ngày nào bố nó cũng đánh mẹ nó.
Sau này, khổ lắm. Hồi nhỏ tôi có học hành gì đâu, nên không kiếm được việc. Vay mượn khắp nơi, làm thuê cho hai cửa hàng ăn mới có tiền cho con gái đi học.
Học phí của Văn cũng là gánh nặng. Tôi mỗi ngày chỉ ăn một bữa, dành tiền mua sách cho con. Nhưng Văn thông minh, toàn đứng đầu lớp!
Nói đến đây, bà cụ có vẻ hãnh diện, vui vẻ.
- Chỉ tiếc một điều, lên cấp ba nó có bạn bè, suốt ngày chỉ thích đi ra phố sắm sửa. Tôi nói nó không nghe lời, không học hành gì, làm tôi buồn khổ. Có một hôm nó xin tiền tôi mua nước hoa. Hôm đó vừa bị móc túi mất năm nghìn trên xe bus, tôi buồn bực mắng nó mấy câu. Chỉ thế mà nó nổi trận lôi đình, bỏ nhà ra đi. Tôi tưởng hết giận nó sẽ về, nào ngờ nó đi một mạch mười hai năm.
Tôi không có tiền tìm con, chỉ biết khóc than mỗi tối. Khóc tới mức mắt mờ đi, cửa hàng ăn cũng sa thải tôi.
Cuối cùng, chỉ còn cách đi quét rác, kiếm miếng ăn nuôi thân.
Một hôm thấy trên báo nói, ông Chủ tịch công ty viễn thông cưới Văn, là con gái tôi! Tôi mừng quá!
Tôi chạy đi tìm nó, bị nó chửi bới đuổi đi!
Còn may có chồng nó tốt, là ông Lưu, biết mọi chuyện rồi thì không khinh rẻ tôi, lại mua cho tôi căn hộ ở ngay dưới nhà họ, giúp tôi mở cửa hàng tạp hoá.
Tôi trao tấm ảnh cho con rể tôi, hy vọng nó chờ lúc nào Văn vui vẻ thì đưa, khuyên con gái tôi nghĩ đến mẹ. Ngày xưa tôi làm gì có tiền chụp ảnh, đây là bức ảnh duy nhất của hai mẹ con tôi.
Kết quả, Văn cứ một hai hôm lại cãi nhau, tấm ảnh vứt xuống đây!
Bà cụ đăm đăm nhìn ảnh, im lặng mấy phút.
- Thực ra tôi sống ở đâu cũng không quan trọng, chỉ cần được nhìn thấy nó là tốt.
Ôi, nhưng đến giờ con tôi vẫn giận mẹ, không thèm gặp mặt. Tôi chỉ có thể mỗi ngày thấy lưng nó khi nó đi ra ngoài đường. Thôi cũng đủ!
Bà cụ lại khóc lên. Tôi không kìm được cũng rơm rớm nước mắt, đi vội ra khỏi tiệm tạp hoá. Tôi mang theo khung ảnh vỡ, đạp xe tới tiệm rửa ảnh.
Chủ tiệm quá quen tôi, vừa bước vào tôi đã đòi ngồi máy tính. Tiệm đang dọn dẹp, bừa bãi, nhưng ông chủ cũng nhiệt tình tìm giúp tôi phần mềm cần thiết.
Tôi biết cái tôi có thể làm rất nhỏ nhoi, nhưng tôi vẫn thử...
Ngày hôm sau, tôi dọn nhà đi khỏi đó. Trước khi đi khỏi, tôi phát hiện tiệm tạp hoá đóng cửa, lạ thật.
Những ngày sau này, tôi quay cuồng giữa những kỳ thi và xin việc, không có thời gian nghĩ tới cái gì.
Ba năm trôi qua, tôi đã tốt nghiệp đại học như thể có phép lạ, rồi cũng tìm được một việc khá tốt ở Đài Bắc. Một chiều chủ nhật, ăn cơm xong với bạn bè, tôi nghĩ tới khu chung cư ngày xưa ở trọ, nghĩ đến bà cụ. Dù sao cũng không có việc, đi thăm bà thôi!
Tôi đỗ xe cạnh khu nhà, đi bộ sang. Ôi, tiệm tạp hoá tầng một đã biến mất, thay vào đó là hiệu ảnh! Mà lại là hiệu ảnh của ông Dương, không ngờ ông chuyển sang đây. Bước vào thấy chắc ông làm ăn phát đạt nên nội thất trang hoàng đổi mới.
- Mời quý khách! - cô gái sau quầy nói.
Tôi vừa mở cửa, bỗng nghe thấy giọng nói sang sảng của ông Dương. Ông đi từ sau ra, cười với tôi rất vui vẻ.
- Vào vào đây, ngồi xuống! Lâu quá không thấy cậu, tốt nghiệp rồi hả? Làm ở đâu? Lấy vợ chưa? Hay có cô nào chưa?
Tôi vừa ngồi xuống uống trà vừa đáp chuyện. Hết cốc trà, ông Dương bỗng bóp trán, nhảy dựng lên.
- Trời ơi, suýt quên! Lưu Dân Khánh gửi thư cho cậu, từ Mỹ về!
Tôi ngẩn ra một lúc, mới nhớ đến ông chủ tịch Lưu trên gác ba, mỗi lần bị vợ chửi đều thấy đay "Thằng Lưu Dân Khánh kia mày xxxxxxxxx hiểu chưa!".
Quay lại câu chuyện, nội dung lá thư như sau:
"Tôi không biết cậu tên là gì, cũng không biết cậu đã dọn đi đâu, nên tôi chỉ biết gửi lá thư này cho ông chủ tiệm ảnh, hy vọng có một ngày ông ta sẽ gặp được cậu. Tôi thật không có lời nào để bày tỏ sự cảm kích với cậu.
Tối hôm chủ nhật đó, vợ tôi đi ra phố mua sắm, thấy ở cửa có gói đồ gửi, đề tên người nhận là mình. Cô ấy luôn ở trong tâm trạng tức giận, nên cũng chả suy nghĩ gì bóc toang ra.
Tôi đang đọc sách trong nhà, thấy vợ đứng ở cửa hồi lâu, chạy ra, nghĩ hay là vợ bị mệt.
Nào ngờ thấy cô ấy đang khóc, trong tay cầm một khung ảnh, lặng lẽ rơi nước mắt. Tôi nhớ cái ảnh này, là mẹ vợ tôi đưa cho tôi. Tôi vẫn để nó trên cây đàn dương cầm trong phòng khách nhưng vợ tôi không bao giờ thèm nhìn. Rồi có lần vớ nó ném tôi rơi mất.
Nhưng nhìn kỹ, thì tấm ảnh ở trong đã được sửa, không phải ảnh cũ nữa.
Vốn là tấm ảnh vợ tôi lúc hơn mười tuổi, thì lại là khuôn mặt vợ tôi bây giờ, và người mẹ đi bên cạnh cũng là bà già bây giờ. Có một thứ không thay đổi, đó là người mẹ vẫn nắm chặt tay con, hai người đều cười vui sướng.
Trên tấm ảnh có mấu giấu viết: "Người mẹ luôn mong muốn giấc mơ trong ảnh là thật, bà luôn tự hào về cô, cô cũng có thể tự hào về mẹ!"
Tối hôm đó, hai mẹ con khóc rất lâu, lúc một giờ đêm tôi sợ họ đói nên nấu một nồi mì mang xuống, thấy vợ tôi đã ngủ, mẹ vợ tôi vẫn vuốt tóc con gái.
Từ đó về sau tình cảm hai mẹ con ngày càng tốt hơn. Tính khí vợ tôi cũng thay đổi, dễ chịu hơn, chúng tôi ít cãi cọ đi. Chúng tôi vẫn muốn cảm ơn cậu nhưng tôi phải chuyển đi Mỹ, tới Boston nhậm chức, quá nhiều việc tốn thời gian, tôi chỉ biết cách này gửi thư cho ông Dương, hy vọng một ngày nó sẽ tới tay cậu.
Tôi để số điện thoại và email cho cậu. Nếu có thể, tôi mời cậu tới Mỹ chơi, để cả nhà tôi đón cậu. Give me a call, tôi sẽ lo vé máy bay cho cậu. Ba người chúng tôi cảm ơn cậu, chúc cậu học hành tấn tới và sự nghiệp thuận lợi."
Trong thư còn một tấm ảnh, cảnh tuyết rơi ở Boston.
Văn và mẹ đứng trước một trường đại học lớn, Văn cầm tay mẹ, hai người cười hạnh phúc.
Như thể tấm ảnh ba năm trước tôi dùng photoshop sửa đổi trên máy tính đã biến thành sự thật, nhưng tấm ảnh này là thật, không phải được ghép, và hạnh phúc của bà mẹ già với đứa con gái là có thật...
Tôi cầm lá thư đi ra, vội vã rời tiệm ảnh, để khỏi bị người khác nhìn thấy mình đang khóc.
Tôi nghĩ, chắc mùa đông ở Boston lạnh lắm.
Nhưng có một trái tim ấm, tình thân, sợ gì.
Trên con đường trước mặt, một người đàn bà trung niên nắm tay đứa con gái mười hai tuổi dắt qua đường. Đứa bé gái xinh đẹp, hoạt bát, người mẹ cười hạnh phúc.
Hình ảnh như ngày xưa...
Tôi lau mắt, đi về phía chiếc xe của mình.
(Trang Hạ dịch)
Van Huy
Van Huy
Admin
Admin

Tổng số bài gửi : 477
Age : 39
Đến từ : Đà Nẵng
Reputation : 0
Registration date : 23/07/2008

https://1213pct.forumvi.com

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang


 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết